Bố mẹ từ mặt liệu con có được hưởng thừa kế?

Vấn đề chia thừa kế là một trong những vấn đề pháp lý đáng được quan tâm hiện nay. Trong đó có trường hợp liệu người con đã bị bố mẹ từ mặt thì có còn được hưởng thừa kế hay không? Thông qua bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề trên.

1. Những trường hợp được nhận hoặc không được nhận di sản.

Hiện nay, không có bất kì văn bản pháp luật nào quy định về trường hợp từ con. Vậy nên, việc bố mẹ từ mặt con, dù cho có thông báo đến gia đình, bạn bè, hay hàng xóm thì điều đó cũng không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, người con vẫn có thể nhận hoặc không được nhận di sản thừa kế của bố mẹ qua các trường hợp sau:

1.1. Đối với trường hợp được nhận thừa kế:

Vì việc từ mặt không có giá trị pháp lý nên con cái sẽ đương nhiên là người thừa kế theo pháp luật sau khi bố mẹ mất. Cụ thể, nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì sau khi bố mẹ qua đời, là người thuộc một trong những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất nên con cái sẽ được nhận di sản từ bố mẹ mình. 

Xét tiếp, nếu con cái thuộc trường hợp bị bố mẹ truất quyền thừa kế trong di chúc thì sẽ không được nhận di sản. Tuy nhiên, nếu người con là người chưa thành niên hoặc là người thành niên mà không có khả năng lao động thì vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế.

1.2. Đối với trường hợp không được nhận thừa kế:

Trường hợp con đã thành niên, khi bị bố mẹ từ mặt thì có thể không được nhận di sản thừa kế nếu trong di chúc có đề cập đến việc đó. Vì di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập, nên khi lập di chúc thì bố mẹ có quyền chỉ định người thừa kế là ai, ai là người sẽ bị truất quyền hưởng di sản của mình. Vậy nếu bố mẹ có ý chỉ định rằng con sẽ không được hưởng di sản thì sau khi bố mẹ qua đời thì con sẽ không được nhận. 

Trừ trường hợp con cái là người chưa thành niên hay thành niên mà không có khả năng lao động, thì khi người con từ chối nhận di sản hoặc là những người bị cấm nhận di sản theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ không được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ. 

2. Cơ sở pháp lý.

2.1. Điều kiện để con nhận được thừa kế.

Như đã nói ở trên, con cái là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì con là người thừa kế theo pháp luật. 

Một điều kiện khác theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 là nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp người con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động, nếu họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật thì vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất đó. 

2.2. Điều kiện để con không được nhận thừa kế.

Trường hợp con không được nhận thừa kế từ bố mẹ có thể được thể hiện qua di chúc. Tuy nhiên, điều đó phải đáp ứng những điều kiện sau:

Thứ nhất, người con bị truất quyền thừa kế phải là người đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, di chúc phải thể hiện được ý nguyện của bố mẹ là sẽ không để lại di sản của mình cho người con.

Thứ ba, di chúc được lập phải là di chúc hợp pháp. Bố mẹ khi lập di chúc phải lập trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt và không được lập trong tình trạng bị đe dọa, cưỡng ép hay là lừa dối. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật. 

Ngoài ra, còn có một trường hợp con cái sẽ không được nhận di sản thừa kế. Nếu họ là những người thuộc khoản 1 Điều 644 nhưng họ từ chối nhận di sản hoặc là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì vẫn sẽ không được nhận thừa kế. 


CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vn – www.HOIDAPLUAT.net – www.THUTUCPHAPLY.org

Print Friendly, PDF & Email
Facebook
LinkedIn
Skype
Email

Nội dung liên quan