Phân biệt án dân sự và án hình sự

Trong giải quyết tranh chấp dân sự hay giải quyết các vụ án hình sự, xác định đúng tính chất của vụ việc là điều tất yếu. Việc xác định một vụ án sẽ bị điều chỉnh theo pháp luật dân sự hay pháp luật hình sự vẫn khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Vì vậy, Công ty Luật PL & Partners xin được so sánh một số nét nổi bật để phân biệt vụ án dân sự và vụ án hình sự.

1. QUAN HỆ PHÁP LUẬT BỊ VI PHẠM, LUẬT ÁP DỤNG VÀ THỜI HIỆU.

1.1. Quan hệ pháp luật bị vi phạm trong vụ án dân sự tranh chấp tại Tòa án và vụ án hình sự.

Đối với vụ án hình sự là chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, trật tự pháp luật.

Đối với vụ án dân sự là các quan hệ dân sự giữa các chủ thể hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

1.2. Luật áp dụng.

  • Vụ án hình sự: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
  • Vụ án dân sự: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.

1.3. Thời hiệu.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Tội phạm ít nghiêm trọng: 05 năm;
  • Tội phạm nghiêm trọng: 10 năm;
  • Tội phạm rất nghiêm trọng: 15 năm;
  • Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: 20 năm.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết:

  • Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu: 02 năm/ không hạn chế (đối với giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, vô hiệu do giả tạo);
  • Tranh chấp hợp đồng: 03 năm;
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại: 03 năm;
  • Chia di sản: 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản;
  • Xác nhận quyền thừa kế của người yêu cầu hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác: 10 năm;
  • Yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại: 03 năm.
Bảng so sánh sự khác biệt giữa án dân sự và hình sự dựa vào yếu tố quan hệ pháp luật, luật áp dụng, thời hiệu và nghĩa vụ chứng minh
Bảng so sánh sự khác biệt giữa án dân sự và hình sự dựa vào yếu tố quan hệ pháp luật, luật áp dụng, thời hiệu và nghĩa vụ chứng minh.

2. NGHĨA VỤ CHỨNG MINH CỦA NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG.

Đối với vụ án hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Đối với vụ án dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

3. NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ, NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ TẠI TÒA ÁN.

3.1. Người bào chữa.

Sự khác biệt nổi bật giữa án hình sự và án dân sự là việc án hình sự có sự xuất hiện của người bào chữa. Vai trò của người bào chữa là đưa ra những tình tiết xác định người bị buộc tội không có tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội và giúp đỡ người bị buộc tội về mặt pháp lí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp họ. Việc này thể hiện tính công bằng của pháp luật.

Theo quy định, người bị buộc tội, người đại diện hoặc thân thích của họ tự mờihoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định những người sau làm người bào chữa:

  1. Luật sư;
  2. Người đại diện của người bị buộc tội;
  3. Bào chữa viên nhân dân;
  4. Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Người bào chữa theo chỉ định vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.

3.2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án.

Trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án, người bảo vệ cho nguyên đơn hay bị đơn được gọi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Người này có thể là: luật sư; trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý; đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động (bảo vệ người lao động); hoặc công dân Việt Nam có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối tượng này cũng có trong các vụ án hình sự với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại. Các đối tượng có thể tham gia vai trò này là: luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý.

4. HẬU QUẢ PHÁP LÝ, ÁN PHÍ VÀ NGHĨA VỤ CHỊU ÁN PHÍ.

4.1. Hậu quả pháp lý.

Hậu quả pháp lý trong vụ án hình sự được thực hiện nhằm mục đích trừng trị, giáo dục, răn đe người phạm tội. Vì vậy, người phạm tội sau khi bị xét xử sẽ phải chịu một hoặc nhiều hình phạt nhất định. Tòa án có thể buộc người phạm tội chịu một trong các hình phạt đồng thời với hình phạt bổ sung sau:

Với hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; Tử hình.

Với hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Sau khi thi hành án người bị kết án phải chịu án tích trong thời hạn nhất định.

Đối với vấn đề dân sự được giải quyết chung với vụ án hình sự, bị đơn dân sự phải bồi thường thiệt hại cho bị hại, nguyên đơn dân sự.

Mặt khác, trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án hay còn gọi là vụ án dân sự thì mục đích chính của người đi kiện là giành quyền lợi chính đáng và được bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với thiệt hại do người bị kiện gây ra. Vì tính chất này mà trong các vụ án dân sự bên thua kiện bị buộc phải thực hiện một trong các nghĩa vụ sau:

  • Chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Xin lỗi, cải chính công khai;
  • Thực hiện nghĩa vụ;
  • Bồi thường thiệt hại.

4.2. Nghĩa vụ chịu án phí trong tranh chấp dân sự và vụ án hình sự.

Án phí trong các vụ án cũng là vấn đề đáng quan tâm. Với vụ án hình sự, án phí do người bị kết án, bị hại, v.v chịu theo quy định của pháp luật. Còn đối với vụ án dân sự thì đương sự phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm hoặc theo luật quy định.

So sánh hậu quả pháp lý của án hình sự với án dân sự
So sánh hậu quả pháp lý của án hình sự với án dân sự.

Trên đây là một số đặc điểm giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt vụ án hình sự và vụ án dân sự.

Trong trường hợp cần đăng ký dịch vụ hoặc hỏi đáp pháp luật, thắc mắc để hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vnwww.HOIDAPLUAT.netwww.THUTUCPHAPLY.org

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Print Friendly, PDF & Email

Đặt hẹn tư vấn





























    Bài viết liên quan: