Khi ly hôn, cha có được nuôi con dưới 36 tháng tuổi không?

Khi ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn là một trong những vấn đề được các cặp vợ chồng quan tâm hàng đầu, đặc biệt là đối với con dưới 36 tháng tuổi. Theo quy định, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người cha vẫn có quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Vậy các trường hợp đó là gì? Hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu ngay sau đây.

Tại khoản 2khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, có thể thấy, đối với con dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ sẽ được quyền ưu tiên nuôi dưỡng, bởi lẽ đây là giai đoạn mà con rất cần bàn tay chăm sóc của mẹ. Tuy nhiên, để đảm quyền lợi về mọi mặt của con, pháp luật vẫn suy xét đến việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Thỏa thuận.

Pháp luật vẫn tôn trọng và công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng khi ly hôn, trong đó bao gồm việc thỏa thuận người trực tiếp nuôi con. Do đó, khi cả hai thỏa thuận được người cha sẽ là người trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì pháp luật vẫn tôn trọng sự thỏa thuận đó và người cha vẫn được quyền nuôi con. Trường hợp này không hiếm gặp giữa các cặp đôi ly hôn trong hòa bình, họ sẽ tự cân nhắc ai mới là người đem lại cuộc sống tốt nhất cho con.

Trường hợp 2: Có đầy đủ minh chứng cho việc người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con và minh chứng cho khả năng nuôi con của người cha.

Nếu không thỏa thuận được, người cha vẫn được Tòa án xem xét giao quyền trực tiếp nuôi con nếu có đủ căn cứ chứng minh người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, đồng thời chứng minh mình có đủ khả năng để nuôi con.

Thông thường, Tòa án xác định người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dựa trên các yếu tố:

  • Điều kiện về vật chất: thu nhập của người mẹ không ổn định, không thể đảm bảo nhu cầu sống thiết yếu của con; không có chỗ ở ổn định, nơi ở và môi trường sống xung quanh không lành mạnh, không thuận tiện cho con đi lại, học tập; con không được tạo điều kiện để học tập và vui chơi giải trí; đang nuôi dưỡng, chăm sóc người khác ngoài con, v.v.
  • Điều kiện về tinh thần: mẹ không có thời gian chăm sóc con và cũng không có ai giúp đỡ; có hành vi bạo lực; gia đình của người mẹ quá phức tạp, nếu sống chung có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của con; v.v.

Bên cạnh đó, người cha cũng phải chứng minh cho Tòa án rằng mình có đủ khả năng nuôi con, đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con hơn người mẹ, như về thu nhập ổn định, môi trường sống lành mạnh, thời gian dành cho con, chỗ ở ổn định, v.v.

Kết luận

Như vậy, sau khi ly hôn, người cha vẫn có thể nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp thỏa thuận được với người mẹ hoặc bản thân người mẹ không đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bằng người cha.

Trên đây là thông tin trả lời cho câu hỏi “Khi ly hôn, cha có được nuôi con dưới 36 tháng tuổi không?”


Trong trường hợp cần đăng ký dịch vụ hoặc hỏi đáp pháp luật, thắc mắc để hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vnwww.HOIDAPLUAT.netwww.THUTUCPHAPLY.org

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Print Friendly, PDF & Email

Đặt hẹn tư vấn





























    Bài viết liên quan: