Có nên nhờ người khác đứng tên bất động sản?

Có nên nhờ người khác đứng tên bất động sản hay không? Những rủi ro nào có nguy cơ gặp phải nếu nhờ đứng tên trên sổ đỏ? Đó là những câu hỏi mà Công ty Luật PL & Partners nhận được rất nhiều trong thời gian qua. Và để trả lời quý vị và các bạn, chúng tôi đã viết bài viết này và video với nội dung tương tự. Hãy theo dõi nhé!

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận) là cơ sở pháp lý để xác định bất động sản ghi trong giấy thuộc về ai. Giấy chứng nhận này vẫn thường được gọi phổ biến là sổ đỏ, sổ hồng.

Dù pháp luật không cho phép nhưng việc nhờ người khác đứng tên hộ quyền sử dụng đất vẫn diễn ra khá phổ biến.

Ví dụ như người ở nước ngoài gửi tiền về nhờ người thân mua và đứng tên bất động sản hay những người không có đủ các giấy tờ nên phải nhờ người khác đứng tên hộ.

Những người này sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn về mặt pháp lý. Có trường hợp bị mất trắng tài sản. Có trường hợp lấy lại được nhưng phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc.

Trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu kỹ hơn về việc có nên nhờ người khác đứng tên sổ đỏ hay không.

Có nên nhờ người khác đứng tên bất động sản?
Bạn sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro khi nhờ người khác đứng tên bất động sản.

1. PHÁP LUẬT CÓ CHO PHÉP NHỜ NGƯỜI KHÁC ĐỨNG TÊN BẤT ĐỘNG SẢN HAY KHÔNG?

Theo quy định tại khoản 16, Điều 3 Luật Đất đai 2013 nêu rõ:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Cũng theo quy định tại Luật Đất đai 2013, người đứng tên trên sổ đỏ được hưởng các quyền lợi sau:

  • Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
  • Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
  • Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
  • Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
  • Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
  • Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
  • Được chuyển đổi, mua bán, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Như vậy, xét ở góc độ pháp lý, việc nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận là trái với quy định pháp luật. Ngoài ra, khi Bạn nhờ một người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận, nghĩa là bạn đang trao cho người đó quyền sử dụng, sở hữu đối với bất động sản đó trong khi thực tế họ không phải là chủ sở hữu, chủ sử dụng thật sự của bất động sản.

Và bạn sẽ có nguy cơ phải gặp nhiều rủi ro trong tương lai.

Có nên nhờ người khác đứng tên sổ đỏ?
Khi sự cố xảy ra, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để lấy lại tài sản của mình.

2. CÁC RỦI RO KHI NHỜ NGƯỜI KHÁC ĐỨNG TÊN BẤT ĐỘNG SẢN.

2.1. Nguy cơ mất trắng tài sản.

Rủi ro lớn nhất và cũng phổ biến nhất là khi người được nhờ đứng tên có ý định chiếm đoạt, không chịu sang tên lại tài sản và phủ nhận việc họ được nhờ đứng tên thì bạn hoàn toàn có nguy cơ bị mất trắng tài sản. Nếu muốn đòi lại thì cũng phải trải qua tranh chấp, kiện tụng rất mệt mỏi.

2.2. Không có bất cứ quyền hạn nào đối với bất động sản nhờ đứng tên.

Như đã nói ở trên, người đứng tên trên GCN sẽ có toàn quyền đối với bất động sản ghi trên GCN đó bao gồm quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Cho dù trên thực tế bạn mới là chủ sở hữu thực sự của bất động sản thì bạn cũng không có bất cứ quyền hạn nào.

2.3. Không được bồi thường khi bất động sản bị thu hồi.

Trong trường hợp nhà nước thu hồi lại bất động sản và  nếu đủ điều kiện để nhận bồi thường thì chỉ người đứng tên trên GCN mới được bồi thường. Bạn sẽ không có bất cứ quyền lợi gì cả.

2.4. Tài sản bị kê biên khi người được nhờ đứng tên có nghĩa vụ với bên thứ ba.

Rủi ro thứ tư là nếu người mà bạn nhờ đứng tên có nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba. Ví dụ như họ đang nợ cá nhân, tổ chức khác mà không có khả năng chi trả và theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyến thì bất động sản đứng tên họ cũng sẽ bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ của họ. Và nguy cơ mất tài sản của bạn là hoàn toàn có thể xảy ra.

2.5. Rủi ro khi người được nhờ đứng tên qua đời.

Rủi ro thứ năm là trong trường hợp người mà bạn nhờ đứng tên qua đời thì bất động sản mà bạn đã nhờ họ đứng tên cũng sẽ được tính vào di sản thừa kế và được phân chia cho những người thừa kế của họ. Dù những người thừa kế này biết hoặc không biết nhưng nếu như họ không chịu thừa nhận nguồn gốc của bất động sản đó là do bạn nhờ đứng tên thì rất dễ xảy ra tranh chấp. Hoặc tương tự, trong trường người đứng tên trên bất động sản ly hôn và phát sinh việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.


Như vậy, khi nhờ người khác đứng tên trên giấy tờ bất động sản, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu tranh chấp xảy ra, bất lợi sẽ thuộc về bạn và sẽ rất khó để có thể bảo vệ quyền lợi, lợi ích của bạn trước pháp luật. Bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để chứng minh việc nhờ đứng tên thì mới đòi lại được bất động sản của mình.

Nói cách khác, khi nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chính bạn sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhất.

Vì thế, bạn hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định bởi nhà đất là một trong những tài sản có giá trị rất lớn.


Trường hợp cần hỗ trợ về mặt pháp lý, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vnwww.HOIDAPLUAT.netwww.THUTUCPHAPLY.org

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

_____________________________________________________________________________________________________

Bài viết căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm viết bài và có thể không còn phù hợp tại thời điểm Quý khách đọc bài viết này do quy định pháp luật có sự thay đổi. Do vậy, bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

 

Print Friendly, PDF & Email

Đặt hẹn tư vấn





























    Bài viết liên quan: