Khi nào thì khởi kiện vụ án dân sự? Khi nào thì tố cáo?

Trong thực tế, các tranh chấp và mâu thuẫn dân sự diễn ra khá phức tạp và đan xen. Chúng ta cần có sự phân biệt về tính chất sự việc, chủ thể trong các tình huống để tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp dân sự hoặc phương thức khác phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho mình, cho các chủ thể khác. Cùng là hành vi gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì trường hợp nào sẽ đi khởi kiện và trường hợp nào thì sẽ tố cáo? Dưới bài viết sau, Công ty Luật PL & Partners xin chia sẻ một số đặc điểm để các bạn hiểu rõ hơn “khi nào thì khởi kiện? khi nào thì tố cáo?”.

1. KHÁI NIỆM KHỞI KIỆN DÂN SỰ VÀ TỐ CÁO.

Khởi kiện vụ án dân sự là hành vi nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước, của tập thể hay của người khác, của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Có thể thấy đây là phương thức giải quyết tranh chấp dân sự cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp bị xâm phạm. Trên cơ sở của yêu cầu khởi kiện, Toà án quyết định buộc người có hành vi trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó, góp phần duy trì trật tự xã hội, thể hiện tính răn đe, giáo dục của pháp luật.

Mặt khác, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, ngay trong khái niệm ta có thể thấy sự khác biệt của hai hoạt động trên. Với khởi kiện, nguyên nhân cho hành vi này xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ pháp luật dân sự của các đương sự và mong muốn thông qua Tòa án có thể giải quyết tranh chấp dân sự, giành lại quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc cho chủ thể bị xâm phạm.

Mặt khác, tố cáo là hoạt động xuất hiện khi có hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước và hành vi đó gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác (chủ yếu do Nhà nước quản lý, tổ chức). Vì thế, tố cáo không xuất phát từ quan hệ pháp luật dân sự giữa người tố cáo và bên bị tố cáo. Ngoài ra người tố cáo còn có thể lựa chọn hình thức tố cáo bằng cách trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền mà không bị bó gọn trong hình thức viết đơn như khởi kiện vụ án dân sự.

Từ tính chất và nguyên nhân dẫn đến hai hoạt động trên ta có thể lựa chọn phương thức phù hợp với trường hợp và lý do của mình sao cho phù hợp với pháp luật.

Phân biệt khởi kiện và tố cáo qua khái niệm, nguyên nhân và mục đích
Phân biệt khởi kiện và tố cáo qua khái niệm, nguyên nhân và mục đích.

2. CHỦ THỂ THỰC HIỆN QUYỀN TRONG KHỞI KIỆN DÂN SỰ, TỐ CÁO VÀ ĐỐI TƯỢNG BỊ KHỞI KIỆN, TỐ CÁO.

Như trong khái niệm có thể thấy chủ thể thực hiện quyền cũng có sự khác biệt giữa hai hoạt động này. Tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.Các chủ thể này phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi tố tụng dân sự quy định tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Theo quy định này thì ta thấy chủ thể thực hiện quyền trong khởi kiện dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, khác với khởi kiện dân sự, chủ thể thực hiện quyền của hoạt động tố cáo chỉ có thể là cá nhân.

Bên cạnh đó, sự khác nhau còn thể hiện ở đối tượng bị khởi kiện, tố cáo. Với khởi kiện thì đối tượng bị khởi kiện là cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đi kiện hoặc người ủy quyền cho người khác thực hiện quyền khởi kiện. Tuy nhiên đối với tố cáo thì đối tượng bị tố cáo được quy định rõ trong Luật Tố cáo 2018. Cụ thể là:

  • Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Như vậy, nếu đối tượng có hành vi vi phạm thuộc các trường hợp kể trên thì cá nhân nên thực hiện hoạt động tố cáo. Nếu bất kỳ chủ thể nào có hành vi xâm hại đến quyền lợi chính đáng của bản thân mình thì ta nên thực hiện hoạt động khởi kiện.

3. MỤC ĐÍCH CỦA TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DÂN SỰ BẰNG KHỞI KIỆN.

Cũng từ khái niệm có thể hiểu rằng, mục đích của khởi kiện là nhờ sự giúp đỡ của pháp luật để yêu cầu về quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Khởi kiện vụ án dân sự là căn cứ pháp lý để đương sự có đầy đủ phương tiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bên cạnh những phương thức như tự bảo vệ, thương lượng, hòa giải, trọng tài. Mỗi phương thức đều có những ưu và nhược điểm nhất định, tuy nhiên, phương thức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là “công cụ hữu hiệu nhất trong toàn bộ phương thức khác nhau mà xã hội và Nhà nước dùng để giải quyết tranh chấp và mâu thuẫn lợi ích”.

Giải quyết tranh chấp dân sự bằng khởi kiện còn là bước khởi đầu quan trọng để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, là cơ sở cho Tòa án thực thi được quyền bảo vệ công lý, bảo vệ sự ổn định của các quan hệ xã hội theo đúng tinh thần của Hiến pháp, đồng thời còn tạo cơ chế chủ động tự bảo vệ của đương sự khi quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.

Mặt khác, mục đích của tố cáo là nhằm chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tóm lại, chúng ta có thể dựa vào tính chất sự việc, đối tượng thực hiện quyền, đối tượng thực hiện hành vi để biết được khi nào thì khởi kiện và khi nào thì tố cáo.

Trên đây là một số điểm phân biệt giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề “khi nào thì khởi kiện? khi nào thì tố cáo?”.


Trong trường hợp cần đăng ký dịch vụ hoặc hỏi đáp pháp luật, thắc mắc để hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vnwww.HOIDAPLUAT.netwww.THUTUCPHAPLY.org

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Print Friendly, PDF & Email
Facebook
LinkedIn
Skype
Email

Nội dung liên quan