Kinh doanh hàng xách tay như thế nào để không bị xem là kinh doanh hàng nhập lậu

“Hàng xách tay” không phải là thuật ngữ pháp lý mà chỉ là tên gọi thông thường của người tiêu dùng. Khái niệm này được ngầm hiểu là các mặt hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam thông qua việc người quen ở nước ngoài gởi về, cá nhân đi du lịch nước ngoài,… “xách tay” hoặc gửi về Việt Nam như một loại hành lý. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, việc kinh doanh “hàng xách tay” đã trở nên rất phổ biến, thậm chí được cả người bán và người tiêu dùng ưa chuộng bởi nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do sản phẩm chính hãng, chất lượng đảm bảo và giá thành rẻ do không phải chịu các khoản thuế nhập khẩu.  

Tuy nhiên, không phải cứ “xách” từ nước ngoài về là buôn bán hợp pháp. Bán “hàng xách tay” chỉ được xem là hoạt động hợp pháp nếu tuân thủ các điều kiện của pháp luật. Song, trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì những “hàng xách tay” này sẽ bị xem là hàng hóa nhập lậu. Và hậu quả là người bán sẽ phải chịu những khoản phạt rất nặng theo quy định pháp luật.

Vậy, kinh doanh hàng xách tay như thế nào để KHÔNG BỊ XEM là HÀNG NHẬP LẬU?

Tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về những hàng hóa được xem là hàng hóa nhập lậu gồm:

  • Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
  • Hàng hóa nhập khẩu KHÔNG đi qua cửa khẩu quy định, KHÔNG làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
  • Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường KHÔNG có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo theo quy định của pháp luật, hoặc có chứng từ, hóa đơn nhưng chứng từ, hóa đơn là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép nhưng lại không có giấy phép nhập khẩu;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng KHÔNG có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc dán tem giả, tem đã qua sử dụng.

Do vậy, để bán “hàng xách tay” không bị xử phạt phải đảm bảo tất cả các điều kiện trên. Nếu không tuân thủ sẽ bị xem là “hàng hóa nhập lậu” và bị xử phạt như sau:

Mức phạt khi kinh doanh hàng hóa nhập lậu?

Căn cứ Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt như sau:

STTGiá trị của hàng hóa nhập lậuMức phạt
1Dưới 3.000.000 đồng500.000 – 1.000.000 đồng
2Từ 3.000.000 – dưới 5.000.000 đồng1.000.000 – 2.000.000 đồng
3Từ 5.000.000 – dưới 10.000.000 đồng2.000.000 – 4.000.000 đồng
4Từ 10.000.000 – dưới 20.000.000 đồng4.000.000 – 6.000.000 đồng
5Từ 20.000.000 – dưới 30.000.000 đồng6.000.000 – 10.000.000 đồng
6Từ 30.000.000 – dưới 50.000.000 đồng10.000.000 – 20.000.000 đồng
7Từ 50.000.000 – dưới 70.000.000 đồng20.000.000 – 30.000.000 đồng
8Từ 70.000.000 – dưới 100.000.000 đồng30.000.000 – 40.000.000 đồng
9Từ 100.000.000 đồng trở lên40.000.000 – 50.000.000 đồng
  • Phạt tiền GẤP HAI LẦN mức tiền phạt đối với các hành vi trên trong các trường hợp sau đây:
  • Người vi phạm TRỰC TIẾP nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
  • Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.
  • Bên cạnh đó, các mức phạt tiền quy định ở trên cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
  • Hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;
  • Hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu;
  • Hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
  • Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vận tải,… và buộc nộp lại số tiền lợi bất hợp pháp (nếu có).

Lưu ý:

MỨC PHẠT NÊU TRÊN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁ NHÂN. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC vi phạm phạt GẤP ĐÔI mức phạt với cá nhân.

Bên cạnh đó, hành vi kinh doanh hàng hóa “nhập lậu” còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Từ những phân tích trên, ta có thể thấy, chế tài cho việc kinh doanh hàng nhập lậu là không nhẹ. Do vậy, trước khi kinh doanh “hàng xách tay”, chúng ta cần phải tìm hiểu quy định pháp luật nhằm đảm bảo việc kinh doanh tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.


Trong trường hợp bạn có thắc mắc cần được giải đáp, vui lòng liên hệ chúng tôi tại:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vnwww.HOIDAPLUAT.netwww.THUTUCPHAPLY.org

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Print Friendly, PDF & Email
Facebook
LinkedIn
Skype
Email

Nội dung liên quan