Xuất xứ hàng hóa, sản phẩm là vấn đề luôn được người tiêu dùng quan tâm. Việc đó dẫn đến nhiều hành vi thay đổi xuất xứ hàng hoá, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống của người dân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về mức phạt đối với hành vi thay đổi xuất xứ hàng hoá? Hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu về vấn đề trên.
Nội dung bài viết
Toggle1. XUẤT XỨ HÀNG HÓA LÀ GÌ?
Căn cứ Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam, xuất xứ hàng hoá “Là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hoá đó”.
Ngoài ra, theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, xuất xứ hàng hóa được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 như sau: “là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
2. MỨC PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI THAY ĐỔI XUẤT XỨ HÀNG HOÁ.
Mức xử phạt cụ thể cho hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định tại Điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:
2.1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Mức phạt này áp dụng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp.
2.2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Mức phạt này áp dụng đối với hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2.3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mức phạt này áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
- Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2.4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Mức phạt này áp dụng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Song song đó, chủ thể có hành vi vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật như hình thức xử phạt bổ sung.
Ngoài ra chủ thể có hành vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm như đã nêu bên trên;
- Buộc nộp lại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Như vậy, việc thực hiện hành vi thay đổi xuất xứ hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân thấp nhất là 10.000.000 đồng và cao nhất là 70.000.000 đồng và sẽ là gấp đôi đối với tổ chức. Ngoài phạt tiền, chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp phạt bổ sung là tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Quý khách hàng nếu cần đăng ký dịch vụ hoặc hỏi đáp, thắc mắc để hiểu thêm về dịch vụ của chúng tôi vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ
Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 093.1111.060
Email: info@pl-partners.vn
Facebook: www.facebook.com/PLLaw
Website: www.PL-PARTNERS.vn – www.HOIDAPLUAT.net – www.THUTUCPHAPLY.org
Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.