Trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu về hai thuật ngữ “công chứng” và “chứng thực”. Chúng có gì giống và khác nhau? Và đối với hợp đồng mua bán nhà đất thì nên đi công chứng hay chứng thực?
Thông thường, khi có các giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các bên sẽ phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng. Đây là điều kiện tiên quyết, vừa giúp đảm bảo quyền lợi của mỗi bên, vừa tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có rất nhiều người chưa hiểu rõ về công chứng và chứng thực. Nhiều người còn chưa phân biệt được hai thuật ngữ này, thậm chí có người còn nhầm tưởng rằng công chứng và chứng thực là một. Điều đấy dẫn đến tình trạng bối rối là đối với trường hợp của mình thì nên công chứng hay nên chứng thực?
Nhằm giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về hai thuật ngữ “công chứng” và “chứng thực”. Từ đó xác định được đối với hợp đồng mua bán nhà đất thì nên làm thế nào, Công ty Luật PL & Partners xin có những chia sẻ như sau:
Nội dung bài viết
Toggle1. THẾ NÀO LÀ CÔNG CHỨNG? THẾ NÀO LÀ CHỨNG THỰC?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014:
“Công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng bằng văn bản.”. |
Trong khi đó, theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
“Chứng thực hợp đồng là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng.”. |
Như vậy có thể thấy cả công chứng và chứng thực đều giúp chứng nhận hay xác thực tính có thực của một văn bản, giao dịch nào đó. Hiểu nôm na là khi bạn có một giao dịch mua bán nhà đất và được lập thành hợp đồng, khi đi công chứng hoặc chứng thực thì giao dịch này sẽ được cơ quan chức năng xác nhận là có thực. Nhờ đó mà có tính pháp lý về sau.
Bên cạnh đấy khi đi công chứng hay chứng thực thì bạn đều phải trả các khoản phí theo quy định.
2. ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA CÔNG CHỨNG VÀ CHỨNG THỰC:
Để phân biệt giữa công chứng và chứng thực, các bạn hãy tham khảo bảng sau:
Tiêu chí | Công chứng | Chứng thực |
Thẩm quyền | Thực hiện bởi Công chứng viên của Tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng; Văn phòng công chứng) trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất được chuyển nhượng. | Thực hiện tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất. |
Trách nhiệm của người thực hiện | Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của toàn bộ nội dung hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. | Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về mặt hình thức (thời gian, địa điểm giao kết; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia), không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của văn bản đó. |
Giá trị pháp lý | Hợp đồng được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. | Hợp đồng được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng. |
3. NÊN CÔNG CHỨNG HAY CHỨNG THỰC HỢP ĐỒNG MUA BÁN NHÀ ĐẤT?
Qua bảng so sánh trên, ta có thể thấy:
Đối với công chứng:
- Ưu điểm: Có giá trị pháp lý cao hơn.
- Nhược điểm: Cần có đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ hợp lệ. Bên cạnh đó phí công chứng cao hơn so với chứng thực,
Đối với chứng thực:
- Ưu điểm: Thực hiện nhanh chóng hơn, cần chuẩn bị ít hồ sơ hơn, phí thấp hơn.
- Nhược điểm: Chỉ chứng minh về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng mà không chứng minh về tình tiết, sự kiện trong hợp đồng. Do đó khi phát sinh tranh chấp thì hợp đồng không có giá trị làm chứng cứ để chứng minh các tình tiết, nội dung bên trong.
Do vậy, khi chuyển nhượng nhà đất hay các giao dịch có giá trị lớn, các bên nên thỏa thuận công chứng hợp đồng để hạn chế tối đa rủi ro pháp lý phát sinh.
Như vậy trên đây, Công ty Luật PL & Partners đã chia sẻ với quý vị và các bạn về công chứng, chứng thực và đối với hợp đồng mua bán nhà đất thì nên đi công chứng hay chứng thực.
Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với các bạn.
Trường hợp cần hỗ trợ về pháp lý, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ
Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 093.1111.060
Email: info@pl-partners.vn
Facebook: www.facebook.com/PLLaw
Website: www.PL-PARTNERS.vn – www.HOIDAPLUAT.net – www.THUTUCPHAPLY.org
Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
_______________________________________________________________________________________________________________________
Bài viết căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm viết bài và có thể không còn phù hợp tại thời điểm Quý khách đọc bài viết này do quy định pháp luật có sự thay đổi. Do vậy, bài viết chỉ có giá trị tham khảo. |