Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ và hậu quả pháp lý của việc giao nộp trễ hạn

“Trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu các quy định của pháp luật về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ cũng như các hậu quả pháp lý của việc giao nộp trễ hạn.”

Trong tố tụng dân sự, để đưa ra yêu cầu của bản thân thì chúng ta có quyền cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các yêu cầu của mình là hợp pháp và có căn cứ. Tương tự, chúng ta cũng có thể cung cấp tài liệu, chứng cứ để phản đối yêu cầu của người khác với mình.

Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật có quy định về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ. Nếu giao nộp trễ hạn, các tài liệu, chứng cứ này hoàn toàn có nguy cơ bị bác bỏ. Điều đó dẫn tới các quyền lợi chính đáng của bản thân không được đảm bảo.

Vậy pháp luật có quy định như thế nào về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ? Những hậu quả pháp lý của việc giao nộp trễ hạn là như thế nào?

Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này thông qua bài viết dưới đây của Công ty Luật PL & Partners.

1. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HẠN GIAO NỘP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ.

1.1. Tại tòa án cấp sơ thẩm.

Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp thì đương sự phải chứng minh lý do chính đáng của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.

Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ án dân sự.

1.2. Tại tòa án cấp phúc thẩm.

Điều 287 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây: (a) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; (b) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

1.3. Ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.

Căn cứ Điều 330Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.

Với mỗi phiên xét xử khác nhau sẽ có những quy định khách nhau về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ
Với mỗi phiên xét xử khác nhau sẽ có những quy định khách nhau về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ.

Từ các quy định nêu trên, đương sự được cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án trong phạm vi thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Việc giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ sau đó hoặc ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo chỉ được chấp nhận khi đáp ứng các điều kiện như nêu trên đây.

Pháp luật chưa có quy định cụ thể: cơ sở nào để xác định rằng đương sự đã “không thể biết” được các tài liệu, chứng cứ này trong quá trình giải quyết vụ án; hoặc xác định thế nào là “lý do chính đáng”. Do vậy, việc đánh giá, nhận định phụ thuộc phần nhiều vào quan điểm của Thẩm phán giải quyết vụ án.

2. HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC GIAO NỘP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ TRỄ HẠN.

Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, nếu giao nộp trễ hạn, các tài liệu, chứng cứ hoàn toàn có nguy cơ không được sử dụng đến.

Nếu nộp các tài liệu, chứng cứ trễ hạn thì hoàn toàn có nguy cơ không được chấp nhận
Nếu nộp các tài liệu, chứng cứ trễ hạn thì hoàn toàn có nguy cơ không được chấp nhận.

Lúc này, có một câu hỏi đặt ra là: Đối với các chứng cứ quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án nhưng lại bị giao nộp trễ hạn mà không có lý do chính đáng và khi đó việc chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ sẽ làm thay đổi nội dung vụ án, đảo ngược phán quyết của tòa án thì Thẩm phán có chấp nhận chứng cứ giao nộp trễ hạn này hay không? Nếu không chấp nhận thì liệu rằng bản án có phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án hay không?

Trên thực tế, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, các đương sự vô tình hoặc cố ý không giao nộp tài liệu, chứng cứ đúng hạn. Có thể xuất phát từ việc không am hiểu về pháp luật nên không xác định được thời điểm cần cung cấp chứng cứ cho tòa án; hoặc cũng có thể vì lý do “giấu” chứng cứ và không muốn đối phương biết về chứng cứ này cho đến khi diễn ra phiên tòa xét xử mới tiến hành giao nộp.

Theo quan điểm cá nhân tôi – Luật sư Thanh Thảo Công ty Luật PL & Partners cho rằng: Chứng minh là nghĩa vụ của đương sự, nhưng mục tiêu và nhiệm vụ của Thẩm phán, của ngành tòa án là đưa ra một bản án công bằng, khách quan. Do vậy, trong trường hợp hồ sơ vụ án đã có đầy đủ chứng cứ, và việc chấp thuận hay không chấp thuận chứng cứ trễ hạn cũng không làm thay đổi bản chất vụ án thì Thẩm phán có thể không chấp nhận chứng cứ giao nộp trễ hạn. Ngược lại, chứng cứ trễ hạn góp phần làm sáng tỏ bản chất vụ án thì Thẩm phán nên xem xét và chấp nhận chứng cứ giao nộp trễ hạn.

_______________________________________________________________________________________________________________________

Như vậy trên đây, Công ty Luật PL & Partners đã chia sẻ với quý vị và các bạn về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ và hậu quả pháp lý của việc giao nộp trễ hạn.

Ho vọng các thông tin trên hữu ích với các bạn.

Trường hợp cần hỗ trợ về pháp lý, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ

Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 093.1111.060

Email: info@pl-partners.vn

Facebook: www.facebook.com/PLLaw

Website: www.PL-PARTNERS.vnwww.HOIDAPLUAT.netwww.THUTUCPHAPLY.org

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

_______________________________________________________________________________________________________________________

Bài viết căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm viết bài và có thể không còn phù hợp tại thời điểm Quý khách đọc bài viết này do quy định pháp luật có sự thay đổi. Do vậy, bài viết chỉ có giá trị tham khảo.
Print Friendly, PDF & Email

Đặt hẹn tư vấn





























    Bài viết liên quan: