Trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu về vấn đề có được tự ý bán tài sản thế chấp hay không và các hậu quả pháp lý nếu thực hiện việc đó.
Thế chấp tài sản là một khái niệm khá quen thuộc với mọi người. Khi các doanh nghiệp cần vốn để kinh doanh hay khi các cá nhân, gia đình cần số tiền lớn để phục vụ các công việc quan trọng như mua đất, xây nhà thì rất nhiều người sẽ lựa chọn thế chấp các tài sản đang có để vay vốn ngân hàng hay các chủ thể tài chính khác. Ngoài ra trong các giao dịch hàng ngày thì việc đem tài sản ra để đảm bảo việc mình sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng khá phổ biến.
Lúc này một câu hỏi đặt ra là liệu có thể tự ý bán tài sản thế chấp hay không? Và nếu đem bán thì sẽ có nguy cơ phải đối diện với các hậu quả pháp lý nào?
Trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật PL & Partners tìm hiểu về chủ đề này.
Nội dung bài viết
Toggle1. TÀI SẢN THẾ CHẤP LÀ GÌ?
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thể chấp. |
Trong đó, bên có nghĩa vụ phải dùng tài sản để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình được gọi là bên thế chấp. Ngược lại, bên có quyền được gọi là bên được bảo đảm hay bên nhận thế chấp.
Ví dụ: ông An cần một số tiền để làm vốn kinh doanh, ông đem ngôi nhà của mình thế chấp cho ngân hàng để vay số tiền này. Khi đó ngôi nhà trở thành tài sản thế chấp, dùng để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của ông An đối với ngân hàng.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên cũng được quy định rõ ràng. Trong đó có một số điểm đáng lưu ý như sau:
- Bên thế chấp phải giao toàn bộ giấy tờ về tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp. Nếu tài sản thế chấp mà pháp luật quy định phải đăng kí giao dịch bảo đảm thì bên thế chấp phải đăng kí việc thể chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bên thế chấp phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
- Nếu tài sản được dùng để thế chấp nhiều nghĩa vụ thì bên thế chấp phải thông báo cho từng người nhận thế chấp tiếp theo về việc tài sản đã đem thế chấp các lần trước đó.
- Nếu các bên không có thoả thuận gì khác thì bên thế chấp vẫn giữ tài sản và được khai thác công dụng của tài sản, được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp (trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp hoặc do việc khai thác công dụng mà tài sản thế chấp có nguy cơ bị mất hoặc bị giảm sút giá trị).
- Bên thế chấp phải bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục nguy cơ thiệt hại tới tài sản.
- Bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng, cho tài sản thế chấp và chỉ được cho thuê, cho mượn hoặc dùng tài sản đã thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác “nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Ví dụ: Trở lại với trường hợp của ông An.
Khi thế chấp ngôi nhà cho ngân hàng, ông An sẽ phải đưa toàn bộ giấy tờ nhà cho ngân hàng.
Ông An vẫn được giữ ngôi nhà để ở tuy nhiên sẽ không được bán, trao đổi, tặng cho.
Trường hợp muốn cho thuê, cho mượn ngôi nhà thì ông An phải có thỏa thuận với ngân hàng.
2. CÓ ĐƯỢC TỰ Ý BÁN TÀI SẢN THẾ CHẤP KHÔNG?
Như đã nói ở trên, trong hầu hết các trường hợp thì bên thế chấp sẽ không được phép tự ý bán tài sản thế chấp.
Nếu cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chỉ có 03 trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 320 và Điều 321 của Bộ luật Dân sự 2015 thì bên thế chấp chỉ có thể bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp.
Đó là:
2.1. Trường hợp 1:
Tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
2.2. Trường hợp 2:
Trường hợp tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì bên thế chấp được quyền bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
2.3. Trường hợp 3:
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận;
3. NẾU TỰ Ý BÁN TÀI SẢN THẾ CHẤP THÌ PHẢI CHỊU HẬU QUẢ GÌ?
Trong trường hợp bên thế chấp cố tình tự ý bán tài sản đã được đem đi thế chấp thì sẽ phải chịu các hậu quả sau:
- Thứ nhất, giao dịch mua bán tài sản thế chấp bị vô hiệu nếu bên thế chấp vi phạm quy định về việc tự ý bán tài sản thế chấp không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép như nêu trên đây. Khi đó, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc bên thứ ba đang giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp để xử lý tài sản theo quy định tại Điều 323 của BLDS.
- Thứ hai, việc tự ý bán tài sản thế chấp trái với quy định nêu trên nếu gây ra thiệt hại cho bên nhận thế chấp thì bên thế chấp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Như vậy trên đây, Công ty Luật PL & Partners đã chia sẻ với quý vị và các bạn về tài sản thế chấp và các hậu quả phải chịu nếu tự ý bán tài sản thế chấp.
Hi vọng các thông tin trên đã giúp các bạn rõ hơn về chủ đề này.
Trường hợp cần hỗ trợ về pháp lý, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH MTV PL VÀ CỘNG SỰ
Văn phòng: Lô 1.16 Viva Riverside, 1472 Võ Văn Kiệt, Phường 03, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 093.1111.060
Email: info@pl-partners.vn
Facebook: www.facebook.com/PLLaw
Website: www.PL-PARTNERS.vn – www.HOIDAPLUAT.net – www.THUTUCPHAPLY.org
Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
____________________________________________________________________________________________________________________
Bài viết căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm viết bài và có thể không còn phù hợp tại thời điểm Quý khách đọc bài viết này do quy định pháp luật có sự thay đổi. Do vậy, bài viết chỉ có giá trị tham khảo. |